You are currently viewing Hướng dẫn xác định kết quả kinh doanh theo thông tư 200

Hướng dẫn xác định kết quả kinh doanh theo thông tư 200

5/5 - (1 bình chọn)

Xác định kết quả kinh doanh theo thông tư 200 là công việc vô cùng quan trọng và phức tạp của kế toán. Vậy bạn đã nắm rõ hay chưa? Haotan hôm nay sẽ chia sẻ chi tiết trong phần chia sẻ dưới đây.

xác định kết quả kinh doanh theo thông tư 200

Khái niệm và cách xác định kết quả kinh doanh

Kết quả kinh doanh là gì?

Kết quả kinh doanh là kết quả cuối cùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại một thời kỳ nhất định và được cấu thành bởi hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác. Kết quả kinh doanh cuối cùng chính là số tiền lãi hoặc lỗ.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được xác định như sau:

Kết quả kinh doanh (lợi nhuận trước thuế TNDN hoặc lỗ)=Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh+Kết quả kinh doanh hoạt động tài chính+Kết quả kinh doanh hoạt động khác

Cách xác định kết quả kinh doanh

Cách xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh

Hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động chính của doanh nghiệp và được thể hiện thông qua kết quả bán hàng và cung cấp dịch vụ. Và được tính toán như sau:

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh=Doanh thu thuần về bán hàngGiá vốn hàng bánChi phí bán hàngChi phí quản lý doanh nghiệp

Bây giờ, chúng ta bắt đầu tìm hiểu các thành tố này như sau:

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ

Doanh thu THUẦN về bán hàng và cung cấp dịch vụ=Doanh thu bán hàng và cung cấp dịchCác khoản giảm trừ doanh thu

Giá vốn hàng bán

Là trị giá vốn xuất kho thực tế của số sản phẩm xuất kho để bán hoặc giá thành của công trình đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng. Tùy vào loại hình doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách cấu thành giá vốn khác nhau.

Chi phí bán hàng

Là toàn bộ các khoản chi phí phát sinh liên quan đến quá trình bán sản phẩm, hàng hóa và cung cung cấp dịch vụ.

Chi phí quản lý doanh nghiệp

Là toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính và một số khoản khác có tính chất chung toàn doanh nghiệp phân bổ cho số hàng đã bán.

Cách xác định Kết quả kinh doanh hoạt động tài chính

Kết quả hoạt động tài chính là số chênh lệch giữa doanh thu của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính.

Cách xác định Kết quả kinh doanh hoạt động khác

Kết quả kinh doanh hoạt động khác là số chênh lệch giữa số thu nhập khác và chi phí khác.

Nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán xác định kết quả kinh doanh

Để xác định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kế toán sử dụng TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh để hạch toán. Khi sử dụng tài khoản này, kế toán cần tuân thủ một số nguyên tắc kế toán tại điều 96 thông tư 200/2014/TT-BTC.

Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để xác định và phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán năm. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả hoạt động tài chính và kết quả hoạt động khác.

b) Tài khoản này phải phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh phải được hạch toán chi tiết theo từng loại hoạt động (hoạt động sản xuất, chế biến, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, hoạt động tài chính…). Trong từng loại hoạt động kinh doanh có thể cần hạch toán chi tiết cho từng loại sản phẩm, từng ngành hàng, từng loại dịch vụ.

c) Các khoản doanh thu và thu nhập được kết chuyển vào tài khoản này là số doanh thu thuần và thu nhập thuần.

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 911

Bên Nợ:

  • Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán;
  • Chi phí hoạt động tài chính, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí khác;
  • Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;
  • Kết chuyển lãi.

Bên Có:

  • Doanh thu thuần về số sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán trong kỳ;
  • Doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác và khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Kết chuyển lỗ.

Tài khoản 911 không có số dư cuối kỳ

Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

Vào cuối kỳ kế toán, kế toán phải thực hiện các bút toán kết chuyển Doanh thu, Thu nhập, chi phí để xác định kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, trước khi thực hiện các bút toán kết chuyển để xác định kết quả kinh doanh, chúng ta phải thực hiện kết chuyển các khoản giảm trừ Doanh thu – TK 521 sang TK 511, để xác định doanh thu thuần trước.

Cách kết chuyển như sau

Nợ TK 511: Tổng số tiền giảm trừ doanh thu

Có TK 5211: Số tiền Chiết khấu thương mại phát sinh trong kỳ.

Có TK 5212: Số tiền Hàng bán bị trả lại phát sinh trong kỳ.

Có TK 5213: Số tiền Giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ.

Sau khi đã xác định được doanh thu thuần thì quy trình thực hiện kết chuyển để xác định kết quả kinh doanh sẽ được tiến hành như sau:

Quy trình xác định kết quả kinh doanh trên có thể được tóm tắt bằng sơ đồ như dưới đây:

xác định kết quả kinh doanh theo thông tư 200

a) Cuối kỳ kế toán, thực hiện việc kết chuyển số doanh thu bán hàng thuần vào tài khoản Xác định kết quả kinh doanh, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

b) Kết chuyển trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính và các khoản thu nhập khác, ghi:

Nợ TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

Nợ TK 711 – Thu nhập khác

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

d) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí hoạt động tài chính và các khoản chi phí khác, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 635 – Chi phí tài chính

Có TK 811 – Chi phí khác.

đ) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 641 – Chi phí bán hàng.

e) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp.

f) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

g) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 “Chi phí thuế thu nhập hoãn lại”:

– Nếu TK 8212 có số phát sinh bên Nợ lớn hơn số phát sinh bên Có, thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.

– Nếu số phát sinh Nợ TK 8212 nhỏ hơn số phát sinh Có TK 8212, thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

h) Định kỳ, đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ nhưng không theo dõi đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thực hiện kết chuyển kết quả kinh doanh trong kỳ lên đơn vị cấp trên:

– Kết chuyển lãi, ghi:

Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

– Kết chuyển lỗ, ghi:

Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

i) Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:

– Kết chuyển lãi, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

– Kết chuyển lỗ, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong cách xác định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo Thông tư 200. Hi vọng các bạn đã nắm vững lượng kiến thức này và vận dụng tốt vào công việc kế toán của mình nhé.

Để lại một bình luận