You are currently viewing Cách hạch toán hàng xuất khẩu theo thông tư 200 chi tiết
Chi tiết quy định hàng xuất khẩu và hạch toán hàng xuất khẩu

Cách hạch toán hàng xuất khẩu theo thông tư 200 chi tiết

5/5 - (1 bình chọn)

Trong thời đại hiện nay, xuất khẩu là một xu hướng tất yếu giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm được nguồn khách hàng tiềm năng cũng như gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, việc hạch toán và ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu lại là một nỗi lo khá lớn cho các bạn làm kế toán. Hôm nay, Haotan.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu về cách hạch toán hàng xuất khẩu nhé.

hạch toán hàng xuất khẩu
Chi tiết quy định hàng xuất khẩu và hạch toán hàng xuất khẩu

Các quy định về xuất khẩu hàng hóa

Các hình thức xuất khẩu hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa có thể được thực hiện theo hai phương thức khác nhau như xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu ủy thác.

  • Xuất khẩu trực tiếp: Đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng với bên nước ngoài, trực tiếp giao hàng và thanh toán tiền hàng với người mua.
  • Xuất khẩu ủy thác: Đơn vị tham gia xuất khẩu không trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu với bên nước ngoài mà thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình thông qua một đơn vị xuất khẩu khác.

Thanh toán

Xuất khẩu hàng hóa có thể được thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ , thanh toán bằng hàng hóa hoặc xuất khẩu trừ nợ theo nghị định thư của Nhà nước.

Hàng hóa được coi là xuất khẩu trong những trường hợp sau:

  • Hàng xuất bán cho thương nhân nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết.
  • Hàng gửi đi triển lãm sau đó bán thu bằng ngoại tệ.
  • Hàng bán cho du khách nước ngoài, cho Việt kiều thu bằng ngoại tệ.
  • Các dịch vụ sửa chữa, bảo hiểm tàu biển, máy bay cho nước ngoài thanh toán bằng ngoại tệ.
  • Hàng viện trợ cho nước ngoài thông qua các hiệp định, nghị định thư do Nhà nước ký kết với nước ngoài nhưng được thực hiện qua doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
  • Hàng chuyển bán cho khu chế xuất
  • Hàng hóa được xác định là hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa đã được trao cho bên mua, đã hoàn thành các thủ tục hải quan, được xếp lên phương tiện vận tải và rời khỏi địa phận, cửa khẩu hoặc sân bay cuối cùng của nước ta.

Xác định thời điểm xuất khẩu

Thời điểm xác định xuất khẩu tùy thuộc vào phương thức vận chuyển:

  • Nếu hàng vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ: thì hàng xuất khẩu tính từ ngày hàng được giao tại ga cửa khẩu theo xác nhận của hải quan cửa khẩu.
  • Nếu hàng được vận chuyển bằng đường hàng không: thì hàng xuất khẩu được xác nhận từ khi cơ trưởng máy bay ký vào vận đơn và hải quan sân bay ký xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan.
  • Nếu hàng vận chuyển bằng đường biển: thì hàng xuất khẩu được tính từ ngày thuyền trưởng ký vào vận đơn, hải quan cảng biển đã xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan.

Hàng đưa đi hội chợ triển lãm, hàng xuất khẩu được tính khi hoàn thành thủ tục bán hàng thu ngoại tệ.

Lưu ý: Việc xác định đúng thời điểm xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi chép doanh thu hàng xuất khẩu một cách chính xác và kịp thời nhất.

Sau khi hàng xuất khẩu đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu: căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hoá thực tế xuất khẩu, doanh nghiệp lập Hoá đơn và căn cứ vào đó tiến hành ghi nhận sổ sách.

Phương pháp kế toán hàng xuất khẩu trực tiếp

Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu và hình thức hóa đơn khi xuất khẩu:

Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu:

Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu rất quan trọng. Vì nó phản ánh chính xác doanh thu của doanh nghiệp vào mỗi thời kỳ nhất định. Theo khoản 7 Điều 3 của Thông tư 119/2014/TT-BTC có quy định về thời điểm ghi nhận doanh thu như sau:
“Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận đã hoàn tất các thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan”

Như vậy: Thời điểm ghi nhận doanh thu là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan,

Lưu ý: Căn cứ để xác định doanh thu hàng xuất khẩu là Tờ khai hải quan và hóa đơn thương mại.

Hóa đơn khi xuất khẩu hàng hóa:

Căn cứ theo Công văn số 11352/BTC-TCHQ có quy định:

Khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài: thì doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn thương mại,

Khi xuất khẩu hàng hóa vào khu phi thuế quan: thì doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT (nếu Doanh nghiệp kê khai thuê GTGT theo phương pháp khấu trừ) hoặc hóa đơn bán hàng (nếu Doanh nghiệp kê khai thuê GTGT theo phương pháp trực tiếp).

Tỷ giá tính doanh thu hàng xuất khẩu:

Theo điểm 3, Khoản 4, Điều 2, Thông tư 26/2015/TT-BTC:

 “- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu: là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.

– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí: là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.”

Phương pháp hạch toán hàng xuất khẩu trực tiếp

Để hạch toán nghiệp vụ xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, kế toán sử dụng các tài khoản như:

  • TK 156 – Hàng hóa
  • TK 155 – Thành phẩm
  • TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • TK 511 – Doanh thu bán hàng
  • TK 521 – Giảm trừ doanh thu
  • TK 131 – Phải thu của khách hàng…

Ghi nhận doanh thu xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ:

+ Trường hợp tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh: kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (không bao gồm thuế xuất khẩu), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3333 – Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế XK).

+ Trường hợp không tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh: kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế xuất khẩu.

Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (bao gồm cả thuế xuất khẩu)

Định kỳ khi xác định số thuế xuất khẩu phải nộp, kế toán ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 
Có TK 3333 – Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế XK).

Đồng thời, kế toán ghi nhận giá vốn như sau:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán xuất khẩu

Có TK 155, 156…: Giá vốn hàng bán xuất khẩu.

Khi nộp tiền thuế xuất khẩu vào NSNN, ghi:

Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu)
Có các TK 111, 112,…

Thuế xuất khẩu được hoàn hoặc được giảm (nếu có), ghi:

Nợ các TK 111, 112, 3333
Có TK 711 – Thu nhập khác.

Cách ghi nhận tỷ giá doanh thu hàng xuất khẩu.

Khi xuất khẩu hàng hóa, khách hàng có thể thanh toán tiền tại các thời điểm khác nhau, như: Thanh toán tiền ngay, thanh toán sau khi DN giao hàng và thanh toán trước khi DN giao hàng. Tùy vào từng hình thức thanh toán khác nhau sẽ có cách hạch toán khác nhau.

Trường hợp 1: Nếu khách hàng trả tiền ngay cùng ngày hoàn thành thủ tục hải quan:

Nợ các TK 111(1112), 112(1122)… (ghi nhận theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch),

Có các TK 511 (ghi nhận theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch).

Trường hợp 2: Xuất hàng trước, nhận thanh toán sau

* Kế toán ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu:

Nợ TK 131 (hạch toán theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

Có các TK 511 (hạch toán theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

* Khi thu được tiền ngoại tệ:

Nếu lỗ tỷ giá:

Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122): theo tỷ giá ngày nhận được khoản thanh toán

Nợ TK 635: Lỗ chênh lệch tỷ giá

Có 131: theo tỷ giá ghi sổ kế toán

Nếu lãi tỷ giá:

Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122): theo tỷ giá ngày nhận được khoản thanh toán

Có 131: theo tỷ giá ghi sổ kế toán

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (ghi nhận ở phần lãi tỷ giá hối đoái)

VD: Ngày 15/5/2021 Công ty Hòa Phát hoàn thành xong thủ tục hải quan xuất khẩu lô thép, trị giá 150.000 USD (tỷ giá 23.200) cho khách hàng A tại Mỹ. Nhưng đến ngày 1/6/2021, khách hàng mới thanh toán tiền (tỷ giá 23.500).

  • Ngày 15/5/2021 ghi nhận doanh thu xuất khẩu theo tỷ giá 23.200 như sau:

Nợ TK 131: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

Có TK 511: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

  • Ngày 1/6/2021 khi nhận được tiền của khách hàng thì ghi nhận như sau:

Nợ 112: 150.000 x 23.500 = 3.525.000.000 (tỷ giá ngày nhận được khoản thanh toán).

Có 131: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (tỷ giá ghi số kế toán)

Có 515: 150.000 x (23.500 – 23.200) = 45.000.000 (Phần lãi tỷ giá)

Trường hợp 3: Nhận trước tiền hàng của đối tác

Về trường hợp này, khách hàng có thể trả trước trước toàn bộ số tiền hoặc trả trước 1 phần. Tùy theo số tiền mà bên bán nhận được mà cách hạch toán sẽ khác nhau:

* Nếu nhận trước toàn bộ số tiền:

Khi nhận trước toàn bộ số tiền hàng của khách hàng: kế toán ghi theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán, hạch toán:

Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm doanh nghiệp nhận tiền)

Có TK 131

Khi xuất hàng, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước:

Nợ TK 131 – (tỷ giá giao dịch thực tế thời điểm nhận trước)

Có các TK 511

VD: Ngày 15/5/2021 Công ty Hòa Phát nhận trước toàn bộ số tiền hàng là 150.000 USD (tỷ giá 23.200) mà bên A thanh toán. Nhưng đến ngày 1/6/2021, công ty Hòa Phát mới giao hàng cho bên A (tỷ giá 23.500).

  • Ngày 15/5/2021 ghi nhận toàn bộ tiền mà bên A trả trước theo tỷ giá 23.200 như sau:

Nợ TK 112: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

Có TK 131: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

  • Ngày 1/6/2021 khi làm xong thủ tục hải quan:

Nợ 131: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000 (theo tỷ giá ngày nhận trước)

Có 511: 150.000 x 23.200 = 3.480.000.000

* Nếu chỉ nhận trước một phần số tiền hàng:

Khi nhận trước một phần tiền hàng:

Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá tại thời điểm nhận trước)

Có TK 131

Khi xuất khẩu hàng cho khách:

– Đối với phần doanh thu tương ứng với tiền hàng đã nhận trước của người mua: thì ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước:

Nợ TK 131 – (tỷ giá thực tế thời điểm nhận trước)

Có các TK 511

– Đối với phần doanh thu chưa nhận được tiền hàng: thì ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh:

Nợ TK 131 – (theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh)

Có các TK 511, 711

Khi đối tác trả nốt số tiền còn lại:

Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (ghi nhận theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

Nợ TK 635 

Có các TK 131, 136, 138: theo tỷ giá ghi sổ kế toán

Có TK 515

VD: Ngày 15/5/2021 Công ty Hòa Phát nhận trước một phần tiền hàng là 100.000 USD (tỷ giá 23.200) mà bên A thanh toán, tổng giá trị đơn hàng là 150.000 USD. Nhưng đến ngày 1/6/2021, công ty Hòa Phát mới giao hàng cho bên A (tỷ giá 23.500).

  • Ngày 15/5/2021 ghi nhận tiền mà bên A trả trước theo tỷ giá 23.200 như sau:

Nợ TK 112: 100.000 x 23.200 = 2.320.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

Có TK 131: 100.000 x 23.200 = 2.320.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

  • Ngày 1/6/2021 khi làm xong thủ tục hải quan:

Hạch toán doanh thu tương ứng với số tiền nhận trước:

Nợ 131: 100.000 x 23.200 = 2.320.000.000 (theo tỷ giá ngày nhận trước)

Có 511: 100.000 x 23.200 = 2.320.000.000

Hạch toán phần doanh thu chưa thu được tiền:

Nợ 131: 50.000 x 23.500 = 1.175.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

Có 511: 50.000 x 23.500 = 1.175.000.000

  • Giả sử số tiền còn lại ngày 10/6/2021 bên A thanh toán theo tỷ giá 23.000

Nợ 112: 50.000 x 23.000 = 1.150.000.000 (theo tỷ giá ngày hiện tại)

Nợ 635: 50.000 x (23.500 – 23.000) = 25.000.000 (Lỗ tỷ giá hối đoái)

Có 131: 50.000 x 23.500 = 1.175.000.000 (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Hạch toán chi phí phát sinh trong quá trình xuất khẩu:

Trường hợp phát sinh các chi phí trong quá trình xuất khẩu, kế toán ghi nhận vào chi phí bán hàng:
Nếu chi phí phát sinh bằng ngoại tệ:

Nợ TK 641 – ghi tăng chi phí bán hàng theo tỷ giá thực tế
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Nợ TK 635 – Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK liên quan (1112, 1122 ,331…): theo tỷ giá ghi sổ
Có TK 515 – Lãi về tỷ giá
Nếu chi phí bằng đồng Việt Nam:
Nợ TK 641 – ghi tăng chi phí bán hàng
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK liên quan (1112, 1122, 331) số chi tiêu thực tế

Phương pháp kế toán hàng xuất khẩu ủy thác:

Những vấn đề chung về xuất khẩu ủy thác:

– Theo quy định, bên ủy thác xuất khẩu khi giao hàng cho bên nhận ủy thác phải lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

– Khi hàng hóa đã thực hiện xuất khẩu có xác nhận của hải quan, căn cứ vào chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, bên ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn GTGT giao cho bên nhận ủy thác.

Bên nhận ủy thác xuất khẩu: phải xuất hóa đơn GTGT đối với hoa hồng ủy thác xuất khẩu.

Lưu ý: Giá tính thuế GTGT dịch vụ ủy thác là toàn bộ số tiền hoa hồng ủy thác và các khoản chi hộ (nếu có – trừ khoản nộp thuế hộ) chưa có thuế GTGT.
Số thuế xuất khẩu, thuế TTĐB về hàng xuất khẩu mà bên nhận ủy thác chi họ cho bên giao ủy thác: Khi thực hiện xong dịch vụ xuất khẩu, bên nhận ủy thác phải chuyển cho bên ủy thác các chứng từ sau để làm căn cứ hạch toán cho bên giao ủy thác:

  • Bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (01 bản chính)
  • Hóa đơn thương mại xuất cho nước ngoài (1 bản sao)
  • Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận thực xuất và đóng dấu của cơ quan hải quan cửa khẩu (1 bản sao)
  • Hóa đơn GTGT về hoa hồng ủy thác

Hạch toán tại đơn vị giao ủy thác xuất khẩu

Để giúp cho việc theo dõi tình hình thanh toán tiền hàng và hoa hồng ủy thác xuất khẩu với đơn vị nhận ủy thác một cách rõ ràng hơn: kế toán có thể sử dụng tài khoản 331 hoặc 338 mở chi tiết theo từng đơn vị mở ủy thác xuất khẩu.
Trình tự kế toán tại đơn vị giao ủy thác xuất khẩu như sau:

Khi giao hàng cho bên nhận ủy thác xuất khẩu:

Nợ TK 157 – hàng hóa gửi bán
Có TK 1561 – hàng hóa
Có TK 155 – Thành phẩm
Nếu giao thẳng không qua kho:
Nợ TK 157
Nợ TK 1331
Có TK 151, 111, 112

Khi đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu đã xuất khẩu hàng cho người mua (khi hàng ủy thác được coi là xuất khẩu)

Ghi nhận giá vốn hàng xuất khẩu:
Nợ TK 632 – giá vốn hàng bán
Có TK 157 – Hàng gửi đi bán
Ghi nhận doanh thu
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)
Có TK 5111 – Doanh thu bán hàng
Thuế xuất khẩu, thuế TTĐB phải nộp, bên nhận ủy thác xuất khẩu nộp hộ vào NSNN
Nợ TK 511 – doanh thu bán hàng
Có TK 3332, 3333
Khi đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu đã nộp các khoản thuế xuất khẩu, thuế TTĐB vào NSNN:
Nợ TK 3332, 3333
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)

Số tiền phải trả cho bên nhận ủy thác xuất khẩu về các khoản đã chi hộ liên quan đến hàng xuất khẩu:

Nợ TK 641 – chi phí bán hàng
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)
Phí ủy thác xuất khẩu phải trả cho đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, kế toán ghi:
Nợ TK 641 – chi phí bán hàng
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)
Bù trừ khoản tiền phải thu về hàng xuất khẩu với khoản chi phải trả đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)
Khi nhận số tiền bán hàng ủy thác xuất khẩu còn lại sau khi đã trừ phí ủy thác xuất khẩu và các khoản do đơn vị ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 111, 112
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu)

Hạch toán tại đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu.

Tại đơn vị nhận xuất khẩu ủy thác, để theo dõi tình hình thanh toán tiền hàng, tiền hoa hồng ủy thác, tiền thuế xuất khẩu nộp hộ đơn vị giao ủy thác, kế toán sử dụng các tài khoản sau:
+ TK 131: Tài khoản này được mở chi tiết theo từng đơn vị giao ủy thác nhằm theo dõi tình hình thanh toán tiền hoa hồng ủy thác xuất khẩu với đơn vị giao ủy thác xuất khẩu
+ TK 338 (3388): tài khoản này được sử dụng để theo dõi số thuế xuất khẩu phải nộp, đã nộp và còn phải nộp hộ đơn vị giao ủy thác. Ngoài ra, tài khoản này còn được mở chi tiết theo từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu để theo dõi số tiền mà đơn vị giao ủy thác chuyển đến để nộp thuế xuất khẩu.
+ TK 138 (1388): Chi tiết đơn vị giao ủy thác.

+ Tài khoản này được mở chi tiết theo từng đơn vị giao ủy thác để theo dõi tình hình thanh toán cho các khoản chi hộ cho đơn vị giao ủy thác.
+ Khi kết thúc thương vụ xuất khẩu ủy thác với từng bên giao ủy thác, kế toán sẽ tiến hành thanh toán bù trừ giữa các tài khoản trên. Sau đó sẽ thanh toán tiền hàng còn lại cho bên giao ủy thác xuất khẩu

Trình tự kế toán tại đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu:

+ Khi nhận hàng của bên ủy thác xuất khẩu: bên nhận ủy thác xuất khẩu tự theo dõi bên ngoài.
+ Khi đã xuất hàng: căn cứ các chứng từ liên quan, kế toán ghi nhận số tiền hàng hóa ủy thác xuất khẩu phải thu hộ cho bên giao ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng người mua nước ngoài)
Có TK 331 – Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Đồng thời, ghi giảm giá trị hàng đã xuất khẩu ở bên ngoài.
+ Phản ánh thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hộ cho bên giao ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết phải nộp vào NSNN)
+ Đối với phí ủy thác xuất khẩu và thuế GTGT tính trên phí ủy thác xuất khẩu: căn cứ chứng từ liên quan, kế toán phản ánh doanh thu phí ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Có TK 5113 – Doanh thu bán hàng
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
+ Đối với các khoản chi hộ cho bên ủy thác xuất khẩu: như phí ngân hàng, phí giám định hải quan, chi vận chuyển bốc xếp hàng…
Nợ TK 1388 – Phải thu khác (chi tiết từng đơn vị ủy thác xuất khẩu)
Có TK 111, 112
+ Khi thu hộ tiền hàng cho bên ủy thác xuất khẩu: căn cứ các chứng từ liên quan, kế toán ghi:
Nợ TK 112 – Tiền gửi ngân hàng
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng người mua nước ngoài)
+ Khi nộp hộ thuế xuất khẩu, thuế TTĐB cho đơn vị ủy thác xuất khẩu:
Nợ TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết phải nộp vào NSNN)
Có TK 111, 112
+ Khi đơn vị ủy thác xuất khẩu thanh toán bù trừ phí ủy thác xuất khẩu và các khoản chi hộ:
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Có TK 138 – Phải thu khác (chi tiết từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
+ Khi chuyển trả cho đơn vi ủy thác xuất khẩu số tiền hàng còn lại sau khi đã trừ phí ủy thác xuất khẩu và các khoản chi hộ:
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị giao ủy thác xuất khẩu)
Có TK 111,112

Trên đây là toàn bộ các kiến thức quan trọng nhất của kế toán bán hàng xuất khẩu và cách hạch toán hàng xuất khẩu chi tiết. Hi vọng, qua bài viết này các bạn có thể hình dung rõ ràng cách hạch toán và ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu một cách chính xác nhất.

Trả lời