You are currently viewing Đối tượng chịu thuế GTGT và những thông tin cần nắm vững
đối tượng chịu thuế gtgt

Đối tượng chịu thuế GTGT và những thông tin cần nắm vững

5/5 - (1 bình chọn)

Thuế giá trị gia tăng là gì? Tại sao mọi doanh nghiệp đều cần loại hóa đơn GTGT trong quá trình sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ? Đối tượng chịu thuế GTGT được quy định như thế nào? Mọi thắc mắc của bạn đọc đều sẽ được giải đáp và hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây, hãy cùng theo dõi nhé!

Thuế GTGT là gì?

Trong những năm gần đây, thuế GTGT đã trở thành một công cụ đóng vai trò chủ yếu trong quá trình cải cách hệ thống thuế nhằm củng cố tài khóa sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với yêu cầu tăng cường nguồn thu cho NSNN.

Thuế GTGT (tiếng anh là Value Added Tax, viết tắt là VAT) là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. 

Trên thực tế, thuế GTGT ra đời nhằm khắc phục việc đánh thuế trùng lắp của thuế doanh thu, nó chỉ đánh vào giá trị tăng thêm của các sản phẩm, dịch vụ tại mỗi giai đoạn sản xuất và lưu thông. 

Mục đích chính là để đến cuối chu kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ thì tổng số thuế thu được ở các công đoạn sẽ khớp với số thuế tính theo giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. 

Tuy nhiên, không phải trong mọi hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng. Luật thuế giá trị gia tăng có quy định rõ đối tượng chịu thuế GTGT, bên cạnh đó việc cập nhật biểu thuế suất thuế GTGT mới nhất cũng là thông tin quan trọng và cần thiết mà kế toán doanh nghiệp phải nắm rõ.

Đối tượng chịu thuế GTGT 

Theo quy định tại điều 3 luật thuế GTGT 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013) thì “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của  luật thuế GTGT”. 

Để nắm rõ và thực thi đúng về thuế GTGT, trước nhất bạn cần phải phân biệt được đâu là đối tượng chịu thuế GTGT và những đối tượng áp dụng nộp thuế GTGT là ai?

Thứ nhất, để trở thành đối tượng chịu thuế GTGT:

+ Hàng hóa đó phải bị tác động bởi một trong các hành vi sau: hoặc là sản xuất, hoặc là kinh doanh hoặc là tiêu dùng ở Việt Nam. 

+Dịch vụ đó phải bị tác động bởi một trong các hành vi hoặc là kinh doanh hoặc là sử dụng ở Việt Nam. 

Lý giải cho vấn đề này cũng khá đơn giản và dễ hiểu, bởi vì thuế GTGT không quan tâm đến hành vi tác động vào đối tượng chịu thuế mà chỉ quan tâm đến giá trị tăng thêm của đối tượng chịu thuế. 

Vì vậy bất cứ khi nào, ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hàng hóa/dịch vụ có phát sinh giá trị tăng thêm do hành vi tác động của đối tượng nộp thuế thì hàng hóa, dịch vụ đó là đối tượng chịu thuế GTGT.

Thứ hai, về đối tượng nộp thuế GTGT 

Những người nộp thuế giá trị gia tăng thông thường có thể là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (gọi là cơ sở kinh doanh).

Và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (gọi là người nhập khẩu)

Không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh khi đưa các sản phẩm hàng hóa, cung cấp các dịch vụ trên thị trường. 

Biểu suất thuế GTGT mới nhất

Tại Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC năm 2018 Hướng dẫn thi hành luật thuế Giá trị gia tăng có quy định biểu suất thuế GTGT mới nhất như sau:

Mức thuế suất 0%

Đối tượng chịu thuế GTGT 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% sau đây:

+ Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;

+ Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;

+  Dịch vụ cấp tín dụng;

+ Chuyển nhượng vốn;

+ Dịch vụ tài chính phái sinh;

+ Dịch vụ bưu chính, viễn thông;

+ Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác;

Mức thuế suất 5%

Đối tượng chịu thuế GTGT 5% được quy định cụ thể như sau:

+ Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.

+ Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.

+ Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

+ Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn) ở khâu kinh doanh thương mại. Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mì.

+ Mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá bao gồm các loại lưới đánh cá, các loại sợi, dây giềng loại chuyên dùng để đan lưới đánh cá không phân biệt nguyên liệu sản xuất.

+ Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm khác được quy định.

+ Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn.

Và nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% khác theo quy định hiện hành.

Mức thuế suất 10%

Đối tượng chịu thuế GTGT 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại mức thuế suất 0% và 5% như đã thông tin ở trên. 

Lưu ý rằng : Các mức thuế suất thuế GTGT được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

Ví dụ: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại, nhập khẩu đều áp dụng thuế suất 10%.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuế giá trị gia tăng bao gồm đối tượng chịu thuế GTGT và biểu suất thuế GTGT đang được áp dụng tính đến thời điểm hiện tại. 

Hy vọng rằng những chia sẻ về luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành luật thuế trong bài viết thật sự là những thông tin chia sẻ hữu ích dành cho bạn!

Để lại một bình luận