Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm, nhưng đang chưa hiểu rõ dịch vụ phần mềm có thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT không (hay dịch vụ phần mềm không chịu thuế GTGT phải không)? Hôm nay, Haotan.vn xin chia sẻ với các bạn vấn đề. Chúng ta cùng chú ý theo dõi nhé!
Dịch vụ phần mềm là gì?
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin về công nghiệp, công nghệ thông tin:
Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.
Tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007:
Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:
- Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;
- Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;
- Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
- Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
- Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
- Dịch vụ tích hợp hệ thống;
- Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;
- Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
- Các dịch vụ phần mềm khác.
Tìm hiểu dịch vụ phần mềm không chịu thuế GTGT dựa trên quy định cụ thể
Văn bản pháp lý tham khảo
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ:
Tại Khoản 21, Điều 4 quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT: Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.
Tại công văn số 7328/CT-TTHT ngày 23/12/2018 của Tổng Cục Thuế ban hành hướng dẫn cho Cục Thuế Hà nội về việc xác định thuế suất thuế GTGT và ưu đãi thuế TNDN cũng đã đề cập rõ vấn đề này:
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp công ty cung cấp các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm nếu thuộc quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 21, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác của công ty không thuộc quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 10%.
Kết luận: Dịch vụ phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Chú ý: Doanh nghiệp sản xuất phần mềm hay kinh doanh phần mềm thì đều thuộc diện không chịu thuế GTGT. Chi tiết xem tại Công văn 3111/TCT-CS ngày 18/08/2010 của Tổng Cục Thuế.
Vậy dịch vụ phần mềm không chịu thuế GTGT, vậy cách viết hóa đơn như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong nội dung tiếp theo.
Cách viết hóa đơn phần mềm không chịu thuế:
Tại điểm 2.1 phụ lục 4 thông tư số 39/2014/TT- BTC:
“ Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi và gạch bỏ”.
Trên đây là những nội dung liên quan đến vấn đề thuế GTGT của dịch vụ phần mềm. Hi vọng sau bài viết này, các bạn đã hiểu rõ và vận dụng tốt vào công việc của mình!
Mình xin chia sẻ thêm một chút kinh nghiệm của bản thân về vấn đề được khá nhiều bạn kế toán quan tâm, đó chính là ưu đãi thuế suất của doanh nghiệp phần mềm.
Ưu đãi thuế suất của doanh nghiệp phần mềm
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC (Sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC) quy định:
1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với:
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.
Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Điểm này là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc danh mục sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình về sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp luật; ”
Chú ý: Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên công ty có doanh thu từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.
Căn cứ Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC (Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC):
“1. Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này)”.
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“4. Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều này được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
Kết luận:
– Nếu là DN sản xuất phần mềm: Nếu các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc danh mục sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình về sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp luật sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo.
Cụ thể: Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm kể từ khi thành lập áp dụng thuế suất như sau:
Từ năm 1 đến năm 4: Sẽ được miễn thuế TNDN.
Từ năm 5 đến năm 13 (9 năm tiếp theo): Giảm 50% thuế TNDN với thuế suất 10%, nghĩa là chỉ cần phải nộp 5% thuế TNDN.
Từ năm 14 đến năm 15: Thuế suất là 10%.
Từ năm 16 trở đi: Nộp thuế TNDN như bình thường.
– Nếu là DN mua/bán phần mềm: không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN như trên.
Vậy thông qua bài viết bạn đã biết được dịch vụ phần mềm không chịu thuế GTGT rồi phải không, cũng như một số thông tin hữu ích liên quan. Nếu còn thắc mắc hay vấn đề cần thảo luận, hãy để lại comment để cùng trao đổi và học hỏi.
Xin cảm ơn!