Luật thuế GTGT của Việt Nam tồn tại nhiều mức thuế suất khác nhau. Mỗi loại thuế suất quy định cho các đối tượng cụ thể. Một câu hỏi mà ai cũng quan tâm là liệu rằng dịch vụ khám chữa bệnh có chịu thuế GTGT không? Hôm nay, Haotan.vn sẽ hỗ trợ các bạn gỡ thắc mắc này nhé.
1. Quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT
Trong sắc thuế giá trị gia tăng, hiện nay đang có 5 nhóm đối tượng như sau: 0%, 5%, 10%, không chịu thuế và không phải kê khai, tính nộp thuế.
Theo Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC đã quy định chi tiết 26 nhóm thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT. Danh sách này trải dài trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Nông nghiệp
- Sản phẩm thiết yếu
- Dịch vụ tài chính, bảo hiểm
- Dịch vụ công ích
- An sinh xã hội
- An ninh quốc phòng
- Và một số lĩnh vực khác nữa
Lưu ý: Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không chịu thuế GTGT thì sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, phần thuế GTGT trên các hóa đơn đầu vào sẽ được ghi nhận vào chi phí hoặc nguyên giá.
2. Giải đáp: dịch vụ khám chữa bệnh có chịu thuế GTGT không?
Căn cứ vào khoản 9 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và công văn số 53070/CT-TTHT ngày 17/6/ 2020 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT gồm:
“9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”
Dựa vào căn cứ trên đây ta có thể kết luận như sau:
- Dịch vụ khám chữa bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Trường hợp trong gói chữa bệnh (theo quy định của Bộ y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nếu thuốc chữa bệnh nằm riêng biệt, không nằm trong dịch vụ khám chữa bệnh thì sẽ chịu thuế suất 5% nhé.
Như vậy là chúng ta đã có câu trả lời cho vấn đề dịch vụ khám chữa bệnh rồi phải không. Hi vọng bài viết “dịch vụ khám chữa bệnh có chịu thuế GTGT không” sẽ giúp mọi người tránh mất mát một khoản tiền khi đi khám bệnh nhé.