Do những diễn biến xấu của thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của nhà đầu tư, nhất là trong việc sử dụng thông tin trên Báo cáo tài chính. Trong đó, chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một cơ sở dữ liệu quan trọng cho quyết định đầu tư, nhưng đồng thời chỉ tiêu này cũng đang chứa đựng những rủi ro và “cạm bẫy” nhất định.
Vậy tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là gì? Kế toán viên cần nắm vững yêu cầu và hạch toán lợi nhuận trước thuế như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để “bỏ túi” những kỹ năng và thông tin chính xác nhất nhé.
Khái niệm Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (EBT) là một chỉ tiêu phản ánh lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được trong năm tài chính (thường là 1 năm), trước khi doanh nghiệp thanh toán chi phí thuế TNDN (nếu có).
Bản chất của Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là phần lợi nhuận có được khi điều chỉnh lợi nhuận gộp. Lợi nhuận gộp trừ đi các khoản chi khác phát sinh trong niên độ kế toán (thường là chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay), sau đó cộng với lợi nhuận khác. Chính vì thế mà chỉ tiêu này phản ánh rõ nét lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm đó là lãi hay lỗ?
Cách tính Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (EBT)
Để tính toán Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, bộ phận kế toán cần tổng hợp toàn bộ chứng từ phát sinh trong năm và phản ánh rõ ràng vào đúng khoản mục doanh thu, chi phí tương ứng. Bản chất của lợi nhuận là phần lợi ích kinh tế thu được, vì thế bạn cần nắm rõ chỉ tiêu EBT phát sinh từ hoạt động nào của doanh nghiệp? Bao gồm lợi nhuận thuần (khoản thu đến từ hoạt động kinh doanh chính của Doanh nghiệp – theo Đăng Ký Kinh Doanh) và Lợi nhuận khác (là khoản không thường xuyên và bất thường, không đến từ hoạt động kinh doanh chính).
Theo đó, để tính Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế – kế toán viên thực hiện lần lượt 3 bước sau:
Bước 1: Tính Lợi nhuận thuần(LNT)
Lợi nhuận thuần = (Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ – Giá vốn hàng bán) + (Doanh thu hoạt động tài chính – CP Tài chính) – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Trong đó:
- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: là khoản doanh thu thu được từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi đã trừ các khoản giảm trừ như: các khoản giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu.
- Giá vốn hàng bán: là toàn bộ chi phí trực tiếp để tạo ra sản phẩm. Chi phí liên quan đến giá vốn hàng bán bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.
- Doanh thu hoạt động tài chính: bao gồm lãi cho thuê tài chính, tiền lãi từ việc cho vay vốn, các khoản thu phát sinh từ tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp.
- Chi phí tài chính: là những khoản chi phí chi cho hoạt động tài chính
Bước 2: Tính Lợi nhuận khác (LNK)
Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác
Bước 3: Tính Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (EBT)
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế = Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận khác
Để cụ thể hơn, chúng ta đi vào một ví dụ:
Trích “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” của Công ty Cổ Phần sản xuất ABC có số liệu cụ thể như sau: (ĐVT : VNĐ)
Yêu cầu : Tính chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm nay?
Hướng dẫn chi tiết :
Bước 1 : LNT = (1) – (2) – (4) + (6) – (7) – (8) – (9)
= -5.825.390.239
Bước 2 : LNK = (11) – (12)
= 116.614.443
Bước 3 : TLNKTT = LNT + LNK = (10) + (13) = – 5.708.775.796
Kết luận : Trong năm, Công ty Cổ Phần sản xuất ABC lỗ 5.708.775.796 (đồng)
Tầm quan trọng của chỉ tiêu Tổng Lợi nhuận kế toán trước thuế đối với Doanh nghiệp
Đối với bất cứ Doanh nghiệp nào, chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đều mang ý nghĩa quan trọng, xét trên mọi khía cạnh từ vi mô đến vĩ mô. Cụ thể:
- Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là một chỉ tiêu mang mã số 50 – được quy định trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ( Mẫu B02-DNN). Vì thế đây là chỉ tiêu bắt buộc và yêu cầu tính toán chính xác, nằm trong dấu kiểm của quy trình kế toán theo quy định.
- Là chỉ tiêu phản ánh phần lợi ích đạt được trong một năm tài chính chưa xét đến yếu tố thuế TNDN. Chỉ tiêu này giúp ban lãnh đạo Doanh nghiệp xác định được lãi/lỗ trong năm. Từ đó có cơ sở để phân tích, đưa ra giải pháp cải thiện nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
- Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế mang ý nghĩa quan trọng đối với các đối tượng bên ngoài như ngân hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp,…. Vì thế việc phản ánh chỉ tiêu này một cách minh bạch và chính xác là một điều không thể tránh khỏi.
Hạch toán tổng lợi nhuận trước thuế như thế nào?
Trên thực tế, không có bất cứ TK kế toán nào được quy định dành riêng cho chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế”. Tuy nhiên, kế toán vẫn tiến hành hạch toán và kết chuyển để xác định giá trị trước thuế, từ đó để xác định mức Thuế TNDN phải nộp theo quy định.
- TK Sử dụng: TK 911 – Xác định kết quả hoạt động kinh doanh
- Kết cấu và Nội dung TK 911
Bên Nợ | Bên Có |
Giá vốn hàng bánChi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vayChi phí khácKết chuyển lãi | Doanh thu thuầnDoanh thu hoạt động tài chínhDoanh thu khácKết chuyển lỗ |
TK 911 không có số dư cuối kỳ |
- Hạch toán xác định kết quả hoạt động kinh doanh
=> Xác định giá trị lợi nhuận trước thuế
Bước 1: Kết chuyển Doanh Thu
Nợ TK 511 – Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ
Nợ Tk 515 – Doanh thu hoạt động tài chính
Nợ TK 711 – Thu nhập khác
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Bước 2 : Kết chuyển Chi Phí
- Kết chuyển trị giá vốn
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có Tk 632 – Giá vốn hàng bán
- Kết chuyển Chi phí bán hàng và Chi phí quản lý doanh nghiệp
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641, 642 (TT 200)
Có TK 6421, 6422 (TT133)
- Kết chuyển chi phí tài chính và chi phí khác
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 811 – Chi phí khác
Lưu ý: Phần chênh lệch Nợ/Có TK 911 là giá trị Tổng Lợi nhuận kế toán trước thuế
Tổng hợp một số thắc mắc về chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế”
Câu hỏi 1 : Chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế” có điều chỉnh giảm được không?
Điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn chủ quan của nhà quản trị là hành động thay đổi lợi nhuận nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận kế toán trước thuế mong muốn. Lưu ý rằng, cách giảm lợi nhuận trước thuế là hợp pháp, bởi vì kỹ thuật điều chỉnh nằm trong Chuẩn mực kế toán quy định. Cụ thể:
– Vận dụng phương pháp kế toán : điều chỉnh thời điểm ghi nhận doanh thu; lựa chọn chính sách tính giá thành đối với hàng tồn kho nhằm điều chỉnh giá vốn; điều chỉnh thời điểm ghi nhận chi phí thông qua phương pháp phân bổ công cụ dụng cụ, sửa chữa lớn TSCĐ hay trích lập quỹ dự phòng…
– Các kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận khác : Chính sách giá và tín dụng thương mại; làm giảm chi phí bằng cách “vốn hóa”…
Câu hỏi 2 : Có thể thực hiện chia lợi nhuận trước thuế được không?
Theo Luật doanh nghiệp 2014: Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.